Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ngành cơ khí chế tạo Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) được biết đến không chỉ là một nhà quân sự đại tài mà còn là một nhà sử học, nhà khoa học … nhà quản lý kinh tế có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Đối với ngành cơ khí chế tạo, Người không chỉ quan tâm với vai trò quân giới, vai trò của trang bị kỹ thuật, vũ khí cho quân đội; Người cho rằng, ngành cơ khí phải đi trước một bước trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng rất quan tâm đến các vũ khí hạng nặng, uy lực mạnh do Cục Quân giới (Xưởng quân khí Giang Tiên –Thái Nguyên), đứng đầu là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) chế tạo, trong đó có badôca, một loại vũ khí chủ yếu dùng đánh xe tăng thời đó. Với những đóng góp của Trần Đại Nghĩa cho ngành quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông danh hiệu “Ông Phật làm súng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới xem triển lãm vũ khí do ngành Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1950
Lúc sinh thời Đại tướng đã có nhiều nhận định quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài, mà cho đến nay vẫn rất thời sự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm triển lãm về thiết bị điện.
Tại Hội nghị Khoa học về Biển (lần thứ III) tổ chức ngày 6-8/6/1985 tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học kĩ thuật, đã có bài phát biểu quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo của Việt Nam. Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một số ý quan trọng liên quan đến ngành cơ khí chế tạo và nhu cầu trang thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển.
Về truyền thống chế tạo tàu thuyền Người nói: “Kĩ thuật chế tạo tàu thuyền sớm phát triển với nhiều nét độc đáo. Người Hà Lan, người Anh ở thế kỷ 18 đã đánh giá cao, đã học tập và áp dụng cách chia khoang thuyền của người Việt Nam vào ngành đóng tàu của họ”.
“Chúng ta phải ra sức xây dựng một nền kinh tế biển mạnh, một lực lượng quân sự trên biển mạnh, một nền khoa học và kĩ thuật về biển mạnh”. “Muốn khai thác biển tốt phải có hậu phương vững chắc là đất liền, nơi cung cấp cho biển nguồn lao động, phương tiện kĩ thuật, nơi chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của biển. Trên thực tế, mọi hoạt động sản xuất trên biển đều được tổ chức trên đất liền, gắn với cơ sở hạ tầng trên đất liền. Trình độ khai thác tài nguyên biển đựơc quyết định phần lớn bởi trình độ phát triển lực lượng sản xuất trên đất liền”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tàu hải quân
“Sự phát triển của công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo công cụ, sửa chữa phương tiện và sản xuất phụ tùng thay thế cho nghề biển có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế biển, đổi mới công nghệ và trang bị kĩ thuật hiện đại cho các ngành kinh tế biển, từng bước đưa nền kinh tế biển đi lên sản xuất lớn XHCN”.
Sau khi phân tích các yếu tố liên quan, Người cho rằng; “Muốn tiến ra biển, khai thác và sử dụng biển và tài nguyên biển, muốn vươn ra đại dương, đòi hỏi phải có một tiềm lực nhất định – tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng, tiềm lực của nền đại công nghiệp cơ khí, của nền khoa học và kĩ thuật tiên tiến”.
“Nhưng chúng ta đang từ sản xuất nhỏ đi lên, lại đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH, trình độ nền kinh tế của ta còn thấp. Trong lúc đó, sự phát triển kinh tế biển phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển chung của lực lượng sản xuất, mà trước hết là của nền đại công nghiệp cơ khí. Bởi vậy, đối với nghề đánh bắt truyền thống mà chủ yếu là nghề cá, phương hướng lâu dài là phải hiện đại hóa kĩ thuật và cơ giới hóa trang bị tàu thuyền, đưa hoạt động đánh bắt ra vùng biển xa, ra đại dương”.
“Đặc biệt, cần phải nâng cao năng lực sửa chữa và đóng mới tàu biển. Trước hết, cần khai thác năng lực hiện có của ngành cơ khí. Song, với năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân và cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có, không chỉ hạn chế trong việc đóng tàu sử dụng trong nước, mà còn nên suy nghĩ liên doanh với một nước khác, đóng tàu cỡ thích hợp với khả năng chế tạo, để xuất khẩu (theo hình thức gia công) và từng bước phát triển đi lên”.
Cuối bài phát biểu Người nhấn mạnh: “Chúng ta và các thế hệ Việt Nam mai sau có trách nhiệm xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của chúng ta trở thành một nước giàu mạnh, nói như vậy có nghĩa là một nước giàu mạnh cả trên đất liền và trên biển”.
Nguồn: -Tạp chí Thủy sản của Bộ Thủy sản (cũ), số 1, 2, 3, 4 năm 1985-1986.